LTS: TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo cập nhật Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành kinh tế Việt Nam và khuyến nghị.
Báo cáo cho biết, sau hơn 20 tháng bùng phát trên phạm vi toàn cầu, đại dịch Covid-19 đến nay đã có tác động nghiêm trọng tới mọi hoạt động kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia. Mặc dù Chính phủ các nước đã có nhiều nỗ lực trong kiểm soát dịch bệnh nhưng diễn biến dịch vẫn còn phức tạp với các đợt bùng phát trở lại cùng với rủi ro biến thể virus mới và tiến trình tiêm vaccine còn gian nan, nhất là tại các nước đang phát triển và thu nhập thấp.
Mặc dù đã kiểm soát dịch Covid-19 thành công cho tới nửa đầu năm 2021 và kinh tế Việt Nam đã dần phục hồi khi GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng trưởng khá tích cực là 5,64% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đợt bùng phát Covid lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) đến nay đã gây nên những hậu quả nặng nề nhất đối với kinh tế – xã hội nước ta. Tăng trưởng GDP quý 3/2021 giảm mạnh (-6,17%), đưa mức GDP 9 tháng đầu năm chỉ còn tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng 9 tháng thấp nhất kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay.
Tiếp theo các báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thời gian qua, Báo cáo này của Nhóm tác giả sẽ cập nhật đánh giá tác động của đại dịch tới các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam đến hết tháng 9/2021 cùng với một số khuyến nghị để khắc phục khó khăn và sớm đưa nền kinh tế phục hồi, phát triển trong điều kiện mới.
CẬP NHẬT ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19
TỚI KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
Kinh tế thế giới 9 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi, dù mức tăng trưởng không khả quan như các dự báo hồi đầu năm do vẫn phải đối mặt với các đợt bùng phát mạnh của biến thể Delta. Đà phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các nước và khu vực trên thế giới, tùy thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ tiêm vaccine và mức độ, hiệu quả của các gói hỗ trợ. Báo cáo mới nhất của các tổ chức như IMF, WB, OECD, ADB… dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 khoảng 5,6-6%, giảm nhẹ so với dự báo hồi đầu năm; trong đó sự phục hồi nhanh tại các nền kinh tế phát triển đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine cao sẽ bù đắp được sự tăng trưởng chậm lại tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nơi có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp hơn và vẫn phải đối mặt với dịch bệnh. Hiện nay, vẫn chưa xác định được thời điểm kết thúc đại dịch; vì vậy, hầu hết các nước đang có xu hướng “sống chung với Covid”, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế trong quý 3/2021 đã phản ánh rõ những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Tăng trưởng GDP quý 3 ước giảm -6,17%; tính chung 9 tháng, GDP chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng 9 tháng thấp nhất kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay. Mặc dù dịch bệnh đang dần được kiểm soát cùng với tiến trình bao phủ vaccine được đẩy nhanh hơn, cùng với việc điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch giúp cân bằng hơn giữa việc đảm bảo sức khỏe người dân và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; lĩnh vực nông nghiệp, xuất – nhập khẩu tăng khá và ổn định kinh tế vĩ mô được đảm bảo; nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với 9 khó khăn, thách thức.
Đó là: (i) dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp và khó lường; (ii) kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, nhiều bất định (trong đó có đà phục hồi của Trung Quốc đang chậm lại); (iii) rủi ro, áp lực lạm phát, chi phí toàn cầu gia tăng; (iv) sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại, đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ vẫn hiện hữu; (v) lĩnh vực dịch vụ tiếp tục giảm mạnh; (vi) đầu tư tư nhân, đầu tư công giảm sút trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa phục hồi; (vii) thu – chi ngân sách đối diện với nhiều thách thức khi nguồn thu giảm, thiếu bền vững và nhu cầu chi cấp bách gia tăng; (viii) hoạt động của doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn (về tài chính, dòng tiền, về nguồn cung – phân phối, về lao động và gián đoạn SXKD…); (ix) tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và cải cách, hoàn thiện thể chế còn chậm, nợ xấu gia tăng…v.v.
Với kết quả 9 tháng đầu năm và bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế từ đầu tháng 10, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV dự báo kinh tế Việt Nam sẽ sớm hồi phục từ quý 4/2021, tăng trưởng quý 4 có thể đạt 3,5%; giúp GDP cả năm 2021 có thể tăng 2,5% (kịch bản cơ sở) đến 3% (kịch bản tích cực).
CẬP NHẬT TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19
ĐỐI VỚI CÁC NGÀNH KINH TẾ VIỆT NAM
– Về phạm vi đánh giá: tiếp tục lựa chọn 16 ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp và cũng là các ngành kinh tế quan trọng (chiếm khoảng 75% GDP năm 2020 của Việt Nam).
– Về tiêu chí đánh giá, gồm 3 tiêu chí chính: (i) diễn biến hoạt động (GDP, sản lượng) của ngành đến hết 9 tháng đầu năm; (ii) kim ngạch xuất-nhập khẩu 9 tháng (tính đến cả yếu tố đầu vào và đầu ra so với cùng kỳ năm 2020), và (iii) diễn biến giá cổ phiếu của nhóm ngành này niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam (phản ánh kỳ vọng của thị trường); và có tham khảo số liệu về số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng (xem mức độ khó khăn như thế nào).
Theo đó, so với các kỳ đánh giá trước đây, các ngành du lịch, lưu trú – ăn uống, vận tải, bán lẻ, y tế, giáo dục – đào tạo vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề, một số lĩnh vực khác vấp phải nhiều khó khăn hơn như dệt may, da giày và xây dựng, trong khi mức độ khó khăn của một số ngành kinh tế khác đã giảm bớt, thậm chí một số ngành đã có sự phục hồi đáng kể. Tác động cụ thể tới 16 ngành kinh tế được tổng hợp tại Bảng 1.
Khu vực nông-lâm nghiệp-thủy sản
Mặc dù trong quý 3/2021, dịch bệnh bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, lĩnh vực nông – lâm nghiệp – thủy sản vẫn tăng trưởng dương ở mức 1,04% nhờ điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, khu vực nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 0,35 điểm% vào mức tăng trưởng chung. Trong bối cảnh các động lực chính của nền kinh tế là công nghiệp – xây dựng, dịch vụ chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, khu vực nông nghiệp vẫn là bệ đỡ vững chắc cho tăng trưởng nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp khu vực này còn nhiều khó khăn với số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm vẫn tăng cao (+23% so với cùng kỳ năm trước) dù có giảm so với quý 2/2021.
Khu vực công nghiệp và xây dựng
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4. Trong quý III, do phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhiều nhà máy sản xuất phải tạm ngừng hoạt động. Thêm vào đó, chuỗi cung ứng bị đứt gãy và chịu ảnh hưởng nhiều từ thị trường quốc tế (tăng giá nguyên liệu, đình trệ về vận tải hàng hóa …) nên hoạt động của ngành càng thêm khó khăn. Tính riêng trong quý 3, GDP khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02% đưa mức tăng của 9 tháng xuống chỉ còn 3,57% (từ mức 8,36% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ).
Ngành xây dựng chịu ảnh hưởng tương đối tiêu cực từ dịch Covid-19 dù một số lĩnh vực được hưởng lợi từ việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công của Chính phủ. Các đợt bùng phát dịch trong quý II và III cũng đã phần ảnh hưởng khá rõ nét tới hoạt động của ngành khi nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, 9 tháng đầu năm, GDP ngành đã sụt giảm -0,58% từ mức mức tăng trưởng 5,59% trong 6 tháng đầu năm và 6,53% của quý 1.
Tin Khác
Mua được 7,4 triệu cổ phiếu HDB, cổ đông lớn của HDBank tiếp tục đăng ký mua đủ 10 triệu cổ phiếu
Với việc mua được 2 triệu cổ phiếu trong kỳ vừa qua, lũy kế từ tháng 4 đến nay Tập...
Phó Thống đốc NHNN: Từ giữa tháng 7 đến nay các ngân hàng đã giảm hơn 11.800 tỷ đồng tiền lãi cho người dân, doanh nghiệp
Tại họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh kinh tế trong nước hợp...
VietinBank góp phần đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công trực tuyến
Tiên phong, đồng hành triển khai Cổng Dịch vụ công Quốc gia Với vai trò là ngân hàng chủ lực...
Ứng dụng cho vay nặng lãi của Trung Quốc đang âm thầm rút khỏi Việt Nam?
Đầu tháng 6/2020, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) - Công an TP HCM đã phối hợp với Công an...
Giới chức siết mạnh, nhiều công ty tiền mã hóa tại Trung Quốc tạm ngừng hoạt động
Nhiều công ty đào tiền mã hóa ở Trung Quốc trong đó có HashCow và BTC đã ngừng hoạt động...
Bitcoin sẽ ‘xâm lấn’ vàng trong tương lai
Theo nhóm chuyên gia của JPMorgan trong đó có Nikolaos Panigirtzoglou, trong ngắn hạn, giá Bitcoin sẽ "nghiêng về hướng...